Dấu chân con người ở đáy đại dương: dữ liệu nghiên cứu 30 năm về rác tại vùng biển thẳm

Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đại dương - Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC) mới đây đã công bố những số liệu đáng kinh ngạc về rác ở vùng biển thẳm sau hơn 30 năm nghiên cứu (1983 – 2014).

Thiết bị tự hành điều khiển từ xa lớp KAIKO 10,000 m phục vụ khảo sát biển sâu của JAMSTEC

Nguồn: https://www.jamstec.go.jp/jamstec-e/gallery/mujin/kaiko.html

Những số liệu này nằm trong cơ sở dữ liệu về rác dưới biển sâu do Trung tâm Dữ liệu Hải dương học thế giới (GODAC) thuộc Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đại dương - Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC) thực hiện. Cơ sở dữ liệu này bao gồm hình ảnh và video của các mảnh rác do các tàu lặn biển sâu và các tàu lặn điều khiển từ xa thu thập được từ năm 1983.

 

Tàu lặn nghiên cứu biển sâu SHINKAI 6500 của JAMSTEC, một trong những thiết bị dùng thu thập dữ liệu về rác thải đáy biển.

Nguồn: http://www.jamstec.go.jp/e/jamstec_news/20070209/ship.html

Số liệu nghiên cứu của JAMSTEC cho thấy các mảnh rác phân bố ở những vùng đáy biển có độ sâu đến vài nghìn mét, nơi sâu nhất ghi nhận sự xuất hiện của rác là rãnh Mariana với độ sâu 10.898 m. Cụ thể, tổng cộng có 3425 mảnh rác nhân tạo đã được phát hiện sau 5.010 lần lặn, trong đó gặp nhiều nhất là rác nhựa, chiếm 33% tất cả mảnh rác, tiếp theo là kim loại (26%), cao su (1.8%), ngư cụ (1.7%), thủy tinh (1.4%), vải /giấy/gỗ (1,3%) và các sản phẩm nhân tạo khác chiếm 35%. Trong số các các loại rác nhựa ghi nhận, 89% là sản phẩm sử dụng một lần. Tỉ lệ các loại rác trên được lấy từ số liệu phân tích thành phần rác ở khu vực phía tây biển Thái Bình Dương (Bắc bán cầu) do khu vực này có số lượng lặn nhiều nhất (4.552 trên 5.010 lần lặn). Rác nhựa không chỉ chiếm ưu thế ở tây Thái Bình Dương mà còn ở các khu vực khác với 25% ở đông Thái Bình Dương (Bắc bán cầu), 8% ở nam Thái Bình Dương, và 31% ở Đại Tây Dương và tỉ lệ nhựa dùng một lần ở các khu vực này là 100%.

 

Tổng số mảnh rác ghi nhận (N) và thành phần của chúng tại 6 vùng biển; WNP: Tây Thái Bình Dương (Bắc bán cầu), ENP: Đông Thái Bình Dương (Bắc bán cầu), SP: Nam Thái Bình Dương, NA: Bắc Đại Tây Dương, SA: Nam Đại Tây Dương, IO: Ấn độ Dương.

Nguồn: Chiba et al. 2018

Phần lớn các mảnh rác phân bố ở độ sâu 1.000-2.000 m. Ở các khu vực phía tây và phía đông Thái Bình Dương (Bắc bán cầu), nam Thái Bình Dương, và bắc Đại Tây Dương, các mảnh rác có thể phân bố ở độ sâu hơn 4.000 m. Độ sâu lớn nhất ghi nhận rác là 10.898 m ở rãnh Mariana với mẫu vật là một chiếc túi ni lông. Tỉ lệ rác nhựa trong các mảnh rác ghi nhận gia tăng đáng kể từ 18 - 22% ở độ sâu dưới 1.000  m lên 34-63% ở độ sâu trên 1.000 m.Con số này ở độ sâu trên 6.000 m là 52%. Phần lớn các loại rác nhựa tìm thấy ở độ sâu dưới 1.000m là nhựa dụng một lần (88 - 100%) và tỉ lệ này ở độ sâu dưới 6.000m là 92%. Cũng theo công bố của nhóm tác giả, các loại rác bao gồm cả rác nhựa phân bố ở một khu vực cách bờ hơn 1.000 km.

Vị trí các điểm lặn tại 6 vùng biển mà tại đó ít nhất một mảnh rác nhựa (chấm tam giác) hoặc không phải nhựa (chấm tròn) được ghi nhận;
WNP: Tây Thái Bình Dương (Bắc bán cầu), ENP: Đông Thái Bình Dương (Bắc bán cầu),
SP: Nam Thái Bình Dương, NA: Bắc Đại Tây Dương, SA: Nam Đại Tây Dương, IO: Ấn độ Dương.

 Nguồn: Chiba et al. 2018

Bùi Tuấn Anh

Tài liệu tham khảo:

Chiba S, Saito H, Fletcher R, Yogi T, Kayo M, Miyagi S, Ogido M, Fujikura K. 2018. Human footprint in the abyss: 30 year records of deep-sea plastic debris. Marine Policy. doi:10.1016/j.marpol.2018.03.022.


  • 10/23/2020 2:50:14 AM